Dược lý và cơ chế tác dụng của Vitamin A

Dược lý và cơ chế tác dụng của Vitamin A

VITAMIN A

Tên chung quốc tế: Retinol.

Dược lí và cơ chế tác dụng:

Vitamin A là vitamin tan trong dầu rất cần cho thị giác, cho sự tăng trưởng và cho sự phát triển và duy trì của biểu mô.
Trong thức ăn, vitamin A có từ 2 nguồn: Retinoid tạo sẵn có trong nguồn động vật như ở gan, thận, chế phẩm sữa, trứng (dầu gan cá là nguồn giàu nhất) và các carotenoid tiền vitamin có trong thực vật. Trong cơ thể, những chất này được chuyển thành retinol nhưng được sử dụng kém hơn. Carotenoid là những nguồn chính (trong đó caroten là chất có hoạt tính vitamin A mạnh nhất và có nhiều nhất trong thức ăn, đặc biệt là ở gấc, cà rốt và các rau quả có màu xanh sẫm hay màu vàng).
Sau khi đã được các enzym của tụy thủy phân thành retinol, các este của vitamin A được hấp thu ở ống tiêu hóa. Kém hấp thu mỡ, ăn thiếu protein, rối loạn chức năng gan hay chức năng tụy làm giảm hấp thu vitamin A. Một số retinol được dự trữ ở gan và từ đấy được giải phóng vào máu dưới dạng gắn với một globulin đặc hiệu. Dự trữ vitamin A của cơ thể thường đáp ứng đủ cho nhu cầu cơ thể trong vài tháng.
Phần retinol tự do bị liên hợp glucuronic và bị oxy hóa thành retinal và acid retinoic rồi được đào thải qua nước tiểu và phân cùng với những chất chuyển hóa khác.
Nồng độ bình thường của vitamin A trong huyết tương là từ 300 đến 600 microgam/lít. Trong trường hợp thiếu vitamin A thì nồng độ thấp ≤ 100 microgam/lít, còn trong trường hợp quá liều hay ngộ độc thì nồng độ này cao hơn nhiều.

Liều lượng và cách dùng :
Nhu cầu hằng ngày của trẻ em là 400 microgam (1330 đvqt), và của người lớn là 600 microgam (2000 đvqt) (theo Viện Dinh dưỡng Việt Nam).
Thiếu vitamin A và hậu quả của nó là một vấn đề lớn ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam và trẻ em là những người đặc biệt dễ bị tác hại. Hàng năm, ở Việt Nam có chiến dịch cho trẻ em uống vitamin A trên quy mô toàn quốc. Những yếu tố chính làm cho tình trạng thiếu vitamin A xuất hiện là: chế độ ăn nghèo vitamin A, nhiễm khuẩn (đặc biệt là sởi, bệnh hô hấp cấp) và ỉa chảy. Chương trình Tiêm chủng mở rộng của Tổ chức Y tế Thế giới khuyên nên cho trẻ 6 tháng tuổi uống thêm 100.000 đơn vị; liều này có tác dụng bảo vệ cho đến khi trẻ được tiêm phòng sởi vào lúc 9 tháng tuổi, và vào lúc này có thể cho trẻ ở những vùng có nguy cơ cao uống thêm một liều nữa. Ngoài ra, theo Chương trình chăm sóc sức khỏe, nên cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi cứ 3 – 6 tháng một lần uống một liều 200.000 đơn vị.

Theo Dược thư quốc gia Việt Nam

← Bài trước Bài sau →

Gửi thắc mắc cho chúng tôi