Tại Sao Việc Cho Trẻ Ngủ Sớm Giảm Nguy Cơ Béo Phì?

Tại Sao Việc Cho Trẻ Ngủ Sớm Giảm Nguy Cơ Béo Phì?

Cho trẻ đi ngủ sớm được cho là sẽ giúp làm giảm những nguy cơ về sức khỏe của trẻ sau này bao gồm nguy cơ béo phì. Nhưng đi ngủ thế nào là sớm và làm thế nào giúp trẻ ngủ sớm. Mẹ hãy cùng Special Kid tìm hiểu nhé!

Tại sao trẻ cần ngủ sớm?

Tại sao bé cần ngủ sớm

 

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc trường đại học bang Ohio và đại học Temple, Hoa Kỳ cho thấy việc cho trẻ đi ngủ từ 9 giờ và sau 9 giờ làm gia tăng nguy cơ bệnh béo phì ở trẻ sau này.

Bác sĩ Meena Khan, chuyên gia về giấc ngủ thuộc trường đại học bang Ohio nói về kết quả của nghiên cứu mới như sau:

Nghiên cứu theo dõi thời gian đi ngủ khác nhau ở trẻ nhỏ. Nghiên cứu cho thấy những em nhỏ đi ngủ sau 9 giờ tối thì có nhiều nguy cơ bị bệnh béo phì hơn các em khác khi trưởng thành.

Béo phì có thể khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống sau này vì những vấn đề sức khỏe liên quan như tiểu đường và tim mạch. Tại Việt Nam, những số liệu thống kê gần đây cũng cho thấy số trẻ em mắc bệnh béo phì ngày một nhiều. Điều tra của Trung tâm Dinh dưỡng thành phố Hồ Chí Minh năm 2012 cho thấy tỷ lệ học sinh tiểu học ở thành phố bị thừa cân cao gấp 15 lần so với suy dinh dưỡng và có đến gần 8% học sinh bị béo phì.

Trẻ ngủ sau 21 giờ có nguy cơ bị béo phì sau này

                                                                                   Trẻ ngủ sau 21 giờ có nguy cơ bị béo phì sau này

 Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ được đăng trên tạp chí Nhi khoa The Journal of Pediatrics cho  thấy những em nhỏ đi ngủ sau 9 giờ tối thì có nhiều nguy cơ bị bệnh béo phì hơn các em khác khi trưởng thành. Nghiên cứu dựa vào số liệu điều tra của 977 trẻ em đã tham gia vào một nghiên cứu khác trước đó về chăm sóc sức khỏe trẻ nhỏ và sự phát triển ở trẻ. Những nhà khoa học tiến hành nghiên cứu trên những trẻ được sinh ra ở 10 nơi khác nhau ở nước Mỹ từ năm 1991.

Các nhà khoa học đưa ra 3 mức thời gian mà các bậc cha mẹ thường cho trẻ đi ngủ vào buổi tối là 20 giờ, từ khoảng 20 đến 21 giờ và sau 21 giờ. Những trẻ được theo dõi có độ tuổi khoảng 4 tuổi rưỡi. Các bậc phụ huynh tham gia vào nghiên cứu sẽ phải theo dõi thời gian trẻ đi ngủ để ghi nhật ký hàng ngày để theo dõi. Các nhà nghiên cứu sau đó tìm thấy mối liên quan giữa thời gian đi ngủ của trẻ với nguy cơ béo phì khi trẻ 15 tuổi.

Kết quả cho thấy trẻ đi ngủ từ 20 giờ hoặc trước 20 giờ, nguy cơ bị béo phì khi bước vào lứa tuổi teen tức là sau 10 tuổi là 10%. Trong khi đó tỷ lệ này ở những trẻ đi ngủ trong khoảng thời gian từ 20 đến 21 giờ là 16% và của những trẻ đi ngủ sau 21 giờ là 23%. Tại sao lại có sự khác biệt này, bác sĩ Meena Khan cho biết nghiên cứu không giải thích mối liên quan giữa thời gian trẻ đi ngủ và béo phì nhưng theo bà có thể có những giả thuyết như sau:

“Chúng tôi chưa biết rõ tại sao những trẻ đi ngủ muộn thì có nguy cơ bị béo phì cao hơn so với những trẻ đi ngủ sớm. Nhưng có thể là nó có liên quan đến cách sống sau này của các em dẫn đến việc các em ăn uống không tốt. Đã có nghiên cứu cho thấy trẻ ngủ không đủ thì dễ bị thừa cân. Có thể là khi ngủ muộn thì họ có thói quen ăn vặt với những thức ăn nhanh không có lợi cho sức khỏe.” Đây chỉ là một giả thuyết cho rằng đi ngủ muộn có thể dẫn đến béo phì.

Một số bác sĩ tiến hành những nghiên cứu về giấc ngủ và béo phì trước đó cũng cho rằng thói quen đi ngủ muộn khiến nhiều người thường ăn muộn và ăn đồ ăn vặt ngọt và béo. Điều này làm họ tăng cân nhanh, dẫn đến béo phì.

Trước nghiên cứu này đã có một số nghiên cứu liên quan đến thời gian ngủ và các nguy cơ sức khỏe ở trẻ. Theo các các chuyên gia về nhi khoa, trẻ ở độ tuổi từ 2 đến 4 tuổi cần khoảng từ 12 đến 14 tiếng ngủ mỗi ngày bao gồm cả giấc ngủ trưa. Một nghiên cứu trước đó cho thấy trẻ ngủ ít hơn khoảng thời gian khuyến cáo dễ mắc bệnh béo phì 5 năm sau đó.

Các chuyên gia về giấc ngủ cũng cho thấy việc thiếu ngủ nói chung có liên quan đến các vấn đề sức khỏe về tim mạch, tiểu đường. Bác sĩ Nathaniel Watson, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa về Giấc ngủ của Hoa Kỳ cho biết:

“Hãy nhìn vào các bằng chứng về dịch tễ học, nhìn vào các bệnh tim mạch, béo phì, cao huyết áp và các hậu quả khác, và bạn hãy nhìn vào thời gian ngủ, bạn sẽ thấy mối quan hệ hình chữ U này cho thấy nguy cơ bệnh lên cao kể cả khi thời gian ngủ ngắn lẫn ngủ dài”.

Ngoài ra việc thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức ở trẻ. Bác sĩ Meena Khan cho biết:

“Nhìn chung trẻ không được ngủ đầy đủ sẽ có những vấn đề về hành vi. Trẻ sẽ mệt mỏi hơn vào ban ngày, rất khó để tập trung. Và nếu cứ tiếp tục như vậy thì trẻ sẽ gặp những vấn đề về hành vi”.

Thế nhưng nhiều bậc phụ huynh có thể phàn nàn rằng việc cho trẻ đi ngủ sớm trước 21 giờ đôi khi hết sức khó khăn. Thậm chí ngay cả việc cho trẻ đi ngủ vào lúc 21 giờ thì không có nghĩa là trẻ sẽ ngủ ngay lập tức vì những đứa trẻ này thường rất khó ngủ. Bác sĩ Meena Khan đưa ra một số lời khuyên về vấn đề này: “Chúng tôi có nhiều số liệu nghiên cứu trên động vật cho thấy nếu bạn rút ngắn thời gian ngủ, thay đổi trong hormone có thể dẫn đến béo phì và những thay đổi khác có thể dẫn đến bệnh tim mạch…”

Theo bác sĩ Nathaniel Watson, điều tốt nhất mà cha mẹ có thể làm giúp trẻ ngủ đủ là phải lập thói quen đi ngủ vào đúng một giờ nhất định để trẻ quen dần với việc đi ngủ sớm. Ví dụ trẻ biết là đến giờ đó thì phải đi tắm đánh răng rồi lên giường đọc sách và ngủ. Trẻ cũng phải có khoảng thời gian phải thức dậy vào buổi sáng và khoảng thời gian ngủ trưa nhất định. Trong ngày trẻ phải được hoạt động thể chất để tiêu bớt năng lượng thay vì chỉ ngồi một chỗ. Vì nếu trẻ không có hoạt động thể chất đủ trong ngày thì đến tối trẻ sẽ vẫn hưng phấn và muốn chơi tiếp. Điều này rất khó để cho trẻ ngủ. Vì vậy các bậc phụ huynh cần chú trọng cho trẻ tham gia hoạt động thể chất đầy đủ trong ngày, có giấc ngủ trưa để giúp cho trẻ có thể ngủ dễ dàng hơn khi đến giờ phải đi ngủ.

Trẻ cần ngủ trước 9h tối

                                                                                Trẻ cần được rèn luyện thói quen đi ngủ trước 9 giờ tối

Bác sĩ Sarah Anderson, người đứng đầu nghiên cứu cho biết các nhà nghiên cứu tập trung nghiên cứu vào thời gian trẻ bắt đầu đi ngủ vì theo bà yếu tố này có ảnh hưởng lớn đến thời gian ngủ hơn so với thời gian trẻ thức giấc vì thường các cha mẹ khó có thể kiểm soát được thời gian trẻ thức giấc. Theo bác sĩ Anderson, những gia đình có cha mẹ đi làm sớm thì trẻ nhỏ cũng thường có thói quen thức giấc sớm.

Mặc dù lợi ích của việc đi ngủ sớm ở trẻ đã được các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo từ lâu, nhưng các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy có nhiều khó khăn đối với những gia đình có cha mẹ bận công việc. Ở những gia đình này, việc cho trẻ đi ngủ trước 21 giờ đôi khi rất khó. Tuy nhiên theo các chuyên gia về giấc ngủ thì thông thường đồng hồ sinh học ở trẻ báo hiệu trẻ có thể đi ngủ từ rất sớm, trước 21 giờ. Điều quan trọng là các ông bố bà mẹ cần phải luyện thời gian đi ngủ cho con thành thói quen.

← Bài trước Bài sau →

Gửi thắc mắc cho chúng tôi